Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa România Lịch_sử_România

Vào năm 1947, vua Michael I bị những người Xã hội Chủ nghĩa bắt phải từ bỏ quyền lực và rời khỏi đất nước. Sau đó, România tuyên bố là một nhà nước Cộng hòa và đặt dưới sự quản trị của quân đội Liên Xô cùng nền kinh tế phụ thuộc Liên Xô cho đến thập niên 50 của thế kỉ XX. Trong thời gian đó, phần lớn nguồn tài nguyên của România đã bị khai thác gần như cạn kiệt do sự thỏa thuận của Liên Xô và România trong hiệp định Xô-România. Sau cuộc thương thảo về việc rút lui của Liên Xô tại đây vào năm 1958, România, dưới sự lãnh đạo của Nicolae Ceauşescu, bắt đầu theo đuổi những chính sách độc lập hơn với Liên Xô như việc chỉ trích Khối Warszawa can thiệp quân sự vào Tiệp Khắc, tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao với Israel sau Cuộc chiến 6 ngày năm 1967, thiết lập các mối quan hệ kinh tế và ngoại giao với Cộng hòa Liên bang Đức. Ngoài ra, sự hợp tác chặt chẽ với các quốc gia Ả Rập cho phép România đóng vai trò chủ chốt trong tiến trình đối thoại Israel-Ai Cập và Israel-PLO. Tuy nhiên, nợ nước ngoài của România gia tăng không ngừng, từ năm 1977-1981, nợ nước ngoài tăng từ 3 lên 10 tỷ USD, ảnh hưởng của các tổ chức tài chính quốc tế như IMF và Ngân hàng thế giới tăng lên, mâu thuẫn với đường lối chính trị của Nicolae Ceauşescu. Ông đề xướng một dự án cuối cùng để hoàn trả nợ nước ngoài của România bởi các đường lối chính trị trên đã làm nghèo và kiệt quệ România, trong khi mở rộng quyền lực của công an và tệ sùng bái cá nhân. Việc đó đã làm giảm uy tín của Nicolae Ceauşescu và dẫn đến việc ông bị tử hình trong cuộc Cách mạng România năm 1989.